Điểm sáng triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, qua hai năm triển khai tiện ích các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là đối với các đối tượng nhận chi trả an sinh xã hội (ASXH) qua tài khoản trên địa bàn Hà Tĩnh đã có những điểm sáng nhất định. Đặc biệt, có đơn vị đã cán đích đầu tiên với 100% đối tượng thuộc diện ASXH nhận chi trả chế độ qua tài khoản.
Đến chiều ngày 5/4, thông qua việc phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) phòng Giao dịch Hồng Lĩnh thực hiện mở tài khoản cho những đối tượng cuối cùng thuộc diện hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, phường Đức Thuận (TX Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh) đã trở thành đơn vị cấp phường, xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh về đích trong việc vận động 100% đối tượng mở tài khoản để triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, với 339/339 tài khoản đã được mở để nhận chi trả ASXH.
Cán bộ Công an tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ đối tượng an sinh xã hội mở tài khoản chi trả không dùng tiền mặt.
Ông Trần Xuân Thắng, Chủ tịch UBND phường Đức Thuận cho biết: thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH và kế hoạch của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Ban chỉ đạo chuyển đổi số cộng đồng phường Đức Thuận đã thành lập 3 tổ công tác gồm 21 đồng chí, thành phần gồm cán bộ chủ chốt, Công an phường cùng các đoàn thể chính trị xã hội và tổ chuyển đổi số cộng đồng của 7/7 tổ dân phố. Để vận động các đối tượng tham gia, các thành viên trong các tổ công tác vừa kết hợp việc thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh của phường, của tổ dân phố và thông qua nhóm “Zalo kết nối bình yên”; vừa trực tiếp đến tuyên truyền vận động tận gia đình những người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Đến chiều ngày 5/4, chỉ sau 1 ngày triển khai phát động, phường Đức Thuận đã hoàn thành việc mở tài khoản cho 339/339 người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội trên toàn phường.
Thiếu tá Nguyễn Gia Phong, Phó Trưởng Công an TX Hồng Lĩnh cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện tại, TX Hồng Lĩnh đang là một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh trong việc thực hiện chi trả ASXH không dùng tiền mặt cho các đối tượng thụ hưởng. Để làm được điều này, đơn vị đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số tại các phường, xã và các tổ chức này đã hoạt động có hiệu quả, có những cách làm hay trong quá trình triển khai. Trực tiếp đồng chí Trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi số các phường, xã đã chỉ đạo thành lập các tổ công tác gồm nhiều lực lượng như cán bộ chính sách, Công an, thành viên các hội gồm cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, tổ trưởng tổ dân phố, thôn trưởng... giao chỉ tiêu và tổ chức đến tận nhà công dân để tuyên truyền, vận động công dân mở tài khoản ngân hàng.
Định kỳ hằng ngày, hằng tuần và và đột xuất, ban chỉ đạo chuyển đổi số phường, xã và tổ chuyển đổi số cộng đồng các thôn, tổ dân phố tổ chức giao ban để phân công nhiệm vụ “rõ người, rõ việc” cho các thành viên, đánh giá kết quả đạt được và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai. Kết quả cho thấy, tính đến tháng 3/2024, TX Hồng Lĩnh đã thực hiện chi trả ASXH qua tài khoản ngân hàng cho 3.150/3.318 đối tượng ASXH đang quản lý, đạt 94,94%. Số còn lại chưa có tài khoản hoặc có nhưng chưa đăng ký nhận chi trả qua tài khoản, địa phương này phấn đấu đến đợt chi trả tháng 4/2024 sẽ hoàn thành cấp tài khoản cho 100% đối tượng ASXH thuộc diện quản lý trên địa bàn và thực hiện chi trả không dùng tiền mặt.
Điểm sáng tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt
Qua hai năm triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, các mục tiêu có tính chất nền tảng đã cơ bản đạt được với 109 nhiệm vụ. Trong đó, 56 nhiệm vụ đã hoàn thành và 38 nhiệm vụ đã được thực hiện thường xuyên, hiện 14 nhiệm vụ đang tiếp tục triển khai. Bên cạnh tiếp tục đẩy nhanh và hoàn thiện những điểm sáng, trở thành địa phương dẫn đầu toàn quốc là thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip cho 100% công dân đủ điều kiện (đứng thứ 2) và tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử (xếp thứ 4 toàn quốc), Hà Tĩnh cũng đang đẩy mạnh các tiện tích khác, trong đó chú trọng đến việc triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được 100% cơ sở y tế, giáo dục áp dụng và 100% các chi nhánh công ty cấp nước, điện lực đã chấp nhận thanh toán hóa đơn qua ngân hàng.
Nhằm thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai các mô hình giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Điển hình như TP Hà Tĩnh với các mô hình: "Chợ 4.0” thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ TP Hà Tĩnh; tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt tại phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh; mô hình “Chợ thanh toán không dùng tiền mặt” và 2 tuyến phố không dùng tiền mặt tại phường Hưng Trí, phường Kỳ Liên, TX Kỳ Anh; mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” tại chợ TX Hồng Lĩnh... Đặc biệt, sau thành công từ mô hình thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại Bệnh viện ĐKTP Hà Tĩnh, Sở Y tế Hà Tĩnh và 13 đơn vị cấp huyện đã ra mắt mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế, giáo dục trên địa bàn.
Theo đánh giá, việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt đối với các đối tượng ASXH, các đối tượng người có công và bảo trợ xã hội mặc dù thời gian qua Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 đã quyết liệt vào cuộc, song vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Nguyên nhân là do nhóm đối tượng này chủ yếu là người già, người có hoàn cảnh khó khăn, một số trường hợp khiếm khuyết vận động, mất khả năng nhận thức, việc sử dụng điện thoại thông minh để theo dõi trợ cấp hàng tháng không thành thạo nên không muốn nhận tiền qua tài khoản ngân hàng. Mặc dù vậy, từ kinh nghiệm của phường Đức Thuận và TX Hồng Lĩnh, trong thời gian sắp tới, để thúc đẩy và nâng cao hiệu suất của nhóm tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt, tỉnh Hà Tĩnh đề ra nhiệm vụ trọng tâm trước mắt cần đẩy mạnh thực hiện ngay đảm bảo chi trả không dùng tiền mặt cho 100% đối tượng ASXH đã có tài khoản ngân hàng.
Ban chỉ đạo việc thực hiện Đề án 06 tỉnh Hà Tĩnh cũng giao trách nhiệm ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, lãnh đạo chính quyền các cấp phải có trách nhiệm làm việc với các tổ chức dịch vụ chi trả để cải thiện và đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp, thái độ phục vụ nhân dân không để ảnh hưởng đến tâm lý của người dân khi nhận các khoản trợ cấp xã hội. Đồng thời, các địa phương triển khai việc thực hiện nhiệm vụ chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách ASXH theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Số liệu thống kê cho thấy, đến nay tổng số đối tượng hưởng chính sách trên địa bàn Hà Tĩnh là 106.413 người (bao gồm 39.513 người có công, 65.816 người bảo trợ xã hội và 2.084 đối tượng khác). Kết quả cho thấy, đã có 16.243 đối tượng mở thẻ ngân hàng nhận chi trả qua tài khoản, đạt tỷ lệ 15,1%. Chi trả chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp, lương hưu… qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị là 39.058/55.687, đạt tỷ lệ 70%, vượt 20% so với chỉ tiêu đề ra; số người chi trả trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân 6.253/6.259, đạt tỷ lệ 99,9% và vượt 0,9% so với chỉ tiêu đề ra.